Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc H’re được huyện Ba Tơ và tỉnh Quảng Ngãi xác định là cơ sở để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống của người dân.
Mỗi sản phẩm thổ cẩm là sản phẩm tinh thần
Truyền thống của người H’re là mặc đồ dệt thổ cẩm. Đàn ông đóng khố, mặc áo cánh ngắn hoặc ở trần, quấn khăn. Phụ nữ mặc váy hai tầng khoác yếm cánh đen, đầu trùm khăn, đeo trang sức vòng cổ bằng đồng và đeo vòng hạt cườm.
Sản phẩm thổ cẩm còn làm khăn đội đầu, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ dùng, may vest nam, đầm dạ hội, kể cả đầm cưới phối ren, lưới với những đường may tinh xảo.
Màu chủ đạo trong trang phục thổ cẩm làng Teng là đen và đỏ. Người H’re quan niệm, màu đen trên tấm thổ cẩm tượng trưng cho nước và đất là âm tính, nữ tính; màu đỏ là thế giới vô hình, tượng trưng cho thần linh, là dương tính, thuộc về nam giới.
Nguyên liệu chủ yếu để dệt thổ cẩm là bông. Đến tháng 3, tiết trời ấm áp, bông nở rộ, phụ nữ H’re mang gùi lên rẫy thu hoạch, mang về phơi khô tách hạt, nhồi mịn, kéo thành sợi, sau đó nhuộm thành nhiều màu khác nhau, rồi đưa vào dệt.
Các già làng Teng nói rằng, mỗi sản phẩm thổ cẩm của người H’re không chỉ là sản phẩm hàng hóa thông thường, mà còn là sản phẩm tinh thần bởi người thợ dệt đã gửi gắm vào đó tài năng, sự sáng tạo.
Trước đây, những tấm vải thổ cẩm dệt thủ công được người làng Teng mang đi bán ở các chợ truyền thống. Ngày nay, sản phẩm được giới thiệu trên mạng nên nhiều người biết đến hơn.
“Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của làng, được trao truyền qua nhiều thế hệ. Lớp trẻ bây giờ khéo tay, mắt cũng tinh hơn nên dệt vải đẹp hơn lớp già như chúng tôi”, bà Phạm Thị Thiều (79 tuổi), nghệ nhân dệt thổ cẩm ở làng Teng bày tỏ.
Nghe tiếng chiêng Ba là lòng rộn ràng, háo hức
Trong di sản văn hóa truyền thống của đồng bào H’re ở huyện Ba Tơ còn phải nhắc đến một nhạc cụ phổ biến nhất – chiêng Ba.
Bộ chiêng Ba có 3 chiếc. Ba chiếc chiêng (còn gọi là chinh) có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chiêng Vông, chiếc nhỏ hơn là chiêng Tum, chiếc nhỏ nhất là chiêng Túc. Đánh chiêng thì gọi là túc chinh.
Khi trình diễn, chiêng Vông được để nghiêng, chiêng Tum để nằm, chiêng Túc treo trên dây. Khi đánh thì chiêng Tum đóng vai trò giữ nhịp, chiêng Vông và chiêng Túc theo giai điệu.
Chiêng Vông và chiêng Tum đánh bằng nắm tay trần, chiêng Túc đánh bằng nắm tay có quấn khăn để tiếng chiêng được ấm. Người đánh chiêng giỏi nhất sẽ đánh chiêng Túc, dẫn dàn chiêng diễn tấu theo đúng bài bản và nhịp điệu. Khi diễn tấu dàn chiêng ba chiếc, người đánh chiêng ngồi ở vị trí ổn định, không di chuyển.
Được đúc bằng đồng, các chiếc chiêng đều khá nặng, nên việc đánh chiêng thường do đàn ông đảm nhận. Thế nhưng, vì say mê thứ âm thanh huyền bí và gắn bó máu thịt với dân tộc mình nên nhiều người phụ nữ H’re vẫn tìm tòi, học cách sử dụng.
Ngoài 80 tuổi, bà Phạm Thị Sỹ (xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ) nhớ như in, thời niên thiếu, dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng nghe tiếng chiêng là lòng rộn ràng, háo hức, mọi người tập trung tìm đến.
Từ nhỏ, bà Sỹ đã thuộc lòng nhiều làn điệu ta lêu, ca choi của người H’re. Cứ mỗi dịp lễ hội, đám cưới…, hòa cùng tiếng chiêng Ba và các nhạc khí khác, dân làng lại cùng nhau ca múa.
Thời gian, không gian đánh chiêng tùy thuộc vào gia chủ, nhưng có lẽ thú vị nhất là khi đêm xuống. Giữa bóng tối, người làng tập trung bên bếp lửa bập bùng trước sân nhà sàn, trai tráng có cơ bắp khỏe mạnh lấy bộ chiêng Ba nhảy theo nhịp các cô gái hát múa ta lêu, ca choi. Người làng cũng thả hồn theo tiếng chiêng ngân.
Tập tục của đồng bào H’re là ăn Tết theo làng, theo xóm. Hôm nay có thể làng này, ngày mai làng khác. Tiếng chiêng theo đó rộn vang khắp núi đồi.
Ngoài bà Sỹ, một số phụ nữ khác ở Ba Tơ cũng biết chơi chiêng Ba, nhưng phần lớn họ đều đã lớn tuổi.
Gìn giữ cho mai sau
Năm 2019, Bộ VHTTDL vinh danh nghề dệt thổ cẩm của người H’re ở làng Teng là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Năm 2021, nghệ thuật trình diễn chiêng Ba của người H’re ở Ba Tơ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Song, cả nghề dệt thổ cẩm lẫn nghệ thuật trình diễn chiêng Ba đều đối mặt với những khó khăn trong việc lưu giữ, bảo tồn và phát triển.
Những năm gần đây, giao thương giữa miền xuôi với miền ngược ngày càng nhiều, người H’re quen với kiểu ăn mặc mới, dần bỏ trang phục truyền thống và mặc như người miền xuôi. Hơn nữa, để dệt một tấm thổ cẩm hoàn chỉnh, người thợ phải tốn thời gian khoảng nửa tháng, có khi lâu hơn, tùy theo kích thước.
Hiện một tấm thổ cẩm do người làng Teng dệt có giá khoảng 800.000 đồng, nếu may thành bộ áo quần thì có giá 950.000 đồng. Song, người thợ dệt chỉ được mỗi ngày công từ 60.000 – 80.000 đồng.
Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19 nên ngành du lịch gặp nhiều khó khăn, việc quảng bá sản phẩm thổ cẩm cũng còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, hiện cây bông – nguyên liệu chính của nghề dệt thổ cẩm truyền thống gần như biến mất, phải sử dụng sợi chỉ, sợi len để thay thế.
Theo ông Lữ Đình Tích – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, để làng nghề dệt thổ cẩm ở làng Teng tiếp tục phát triển, ngoài mặt hàng thổ cẩm du lịch, người dệt thổ cẩm còn phải tập trung theo hướng sản xuất các loại vải dùng để may áo dài, may túi xách thời trang, đồng phục… với nhiều hoa văn đa dạng, đậm nét văn hóa của người H’re nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của đông đảo khách hàng.
Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã tập trung cải tạo hệ thống đường giao thông đồng bộ, tạo sự liên hoàn thông suốt giữa các tuyến đường, phát triển nghề dệt thổ cẩm gắn với thiết chế văn hóa cơ sở.
Đầu năm 2021, Hợp tác xã dịch vụ Nông – lâm – du lịch – văn hóa làng Teng cũng đã được thành lập với 19 thành viên nhằm phát triển nghề dệt truyền thống, quảng bá sản phẩm thổ cẩm, mở hướng phát triển mạnh du lịch; từ đó góp phần tiêu thụ sản phẩm, đưa nghề dệt thổ cẩm phát triển và giúp người dân gắn bó với nghề này nâng cao đời sống.
Đối với chiêng Ba, chỉ người H’re ở huyện Ba Tơ mới biết trình diễn nhạc cụ này. Đại đa số chiêng của người H’re là dàn chiêng Ba chiếc được các gia đình lưu truyền, gìn giữ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện trên địa bàn huyện Ba Tơ có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng Ba và 740 người biết sử dụng.
Theo ông Lê Cao Đỉnh, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Ba Tơ, nghệ thuật trình diễn chiêng ba của người H’re, không chỉ là sinh hoạt văn hóa mà quan trọng hơn chính là lưu giữ những giá trị văn hóa, tín ngưỡng truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.
“Thường ngày, họ bận rộn với ruộng đồng, nương rẫy cùng bao việc mưu sinh, nhưng sẵn lòng tham gia khi nghe lời mời đánh chiêng, tham dự các hội diễn văn nghệ quần chúng quảng bá chiêng ba. Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là lớp trẻ ít quan tâm, trong khi đó những người am hiểu lại ngày càng già đi, nhiều người đã mất. Địa phương đã và đang nỗ lực tìm cách giữ gìn văn hóa quý giá này”, ông Lê Cao Đỉnh chia sẻ.
Báo Tổ quốc – toquoc.vn